Cũng dùng chất liệu kính nổi, kính cường lực nhưng được biến cách dưới nhiều dạng thức để cho ra các lối ứng dụng mang hiệu quả khác nhau. Chẳng hạn, kính mài mờ, kính điêu khắc, kính laminate (kính ghép), kính tạo màu, kính uốn, tranh kính, kính phản nhiệt… Tựu trung, có nhiều sự chọn lựa để kiến tạo vẻ đẹp và công năng riêng cho từng hạng mục công trình.
Mái thẳng bằng kính ghép màu có kết cấu trên khung chịu lực, linh hoạt trong biến thể hình học và hình thức nghệ thuật
Kính ghép an toàn và đa sắc diện
Kính ghép an toàn được cấu tạo bởi hai hay nhiều lớp kính lại với nhau. Có hai cách ghép, một bằng keo nước, thường thực hiện thủ công, có thể pha màu trong keo để cho hiệu ứng màu trên kính tuỳ ý; hiện phương pháp này ít được sử dụng. Cách khác, ghép bằng keo phim PVB đặt giữa các lớp kính rồi đưa vào lò hấp ở 140-1600C (tuỳ vào độ dày của kính và phim) để các lớp kính dính cứng vào nhau như một khối thống nhất. Dạng ghép này có thể dùng phim trong suốt hay phim màu; phim có hoa văn hoa lá, côn trùng, vải… tạo sự đa dạng hoạ tiết cho mặt kính. Kính ghép phim PVB có thể sử dụng chất liệu kính nổi thông thường hay kính cường lực; vì khi có sự cố va chạm mạnh – vỡ thì miểng kính vẫn giữ nguyên vị trí, không rơi xuống gây sát thương.
Lắp kính trên các độ cao, mặt dựng lầu… thường phải ứng dụng các loại kính ghép này. Ngay những hạng mục ứng dụng chất liệu kính làm mặt cầu thang, lan can, sàn, trần, mái đón; đồ nội thất như kệ sách, ti vi, bàn tủ… “đều phải dùng kính cường lực ghép keo phim, vừa tạo được màu, hoa văn đa dạng trên kính vừa chịu lực nén tốt, bảo đảm độ an toàn cao”, kỹ sư Nguyễn Hồng Vĩnh, giám đốc công ty Nhà Kính cho biết. Với việc làm phong phú hoá hoạ tiết trên kính trong trang trí, còn có thể sơn, dán, điêu khắc hay ép đèn LED lên kính. Hoặc có loại phim plastic chống đạn, chống trộm khá hiệu quả. Ngoài ra, nhờ lớp keo phim đặc biệt PVB mà tăng thêm tính năng ngăn chặn được tia cực tím từ nguồn năng lượng mặt trời.
Những hiệu ứng khác
Kính mài mờ cho hiệu ứng như có lớp sương bám trên mặt kính, thường dùng làm vách ngăn, phòng tắm, cửa, nơi cần điều tiết nguồn sáng trời vừa phải đi vào bên trong… Ông Võ Hoàng Oanh, giám đốc công ty Taniglass cho biết, để mài mờ kính có hai công nghệ, phun cát hoặc xử lý bằng hoá chất. Kính làm mờ bằng phun cát thì bám vân tay, còn xử lý hoá chất sẽ không để lại dấu tay khi sờ vào kính; và, có thể thực hiện mài mờ trước hay sau khi đưa kính vào máy gia cường lực.
Kính còn có thể uốn cong bằng máy trong quá trình cường lực theo khuôn chọn sẵn. Hoặc tráng một lớp oxid kim loại trên bề mặt kính để tạo hiệu ứng phản quang cho công trình.
Với kính cách âm, cách nhiệt có cấu tạo hai lớp gắn trên khung nhôm, sử dụng keo silicon bít kín các đường kết ráp kính với khung nhôm; giữa hai lớp kính là khoảng chân không. Nhờ vậy mà có tính bảo ôn, giảm khoảng 50% nhiệt lượng thất thoát, giảm tiếng ồn đáng kể tác động từ bên ngoài; nhờ khoảng chân không nên giảm thiểu bức xạ nhiệt từ nguồn sáng trời. Ngoài ra, nhờ những đường bít kín bằng silicon và hạt hút ẩm đặt trong khung nhôm mà ngăn ngừa được hiện tượng ngưng tụ hơi nước như đọng sương do chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài công trình.
Kính ghép màu mái vòm như một cái đèn lồng sinh động, trang trí được nhiều màu sắc và là điểm nhấn cho không gian trên cao và một bức tranh điêu khắc trên kính làm vách ngăn hờ thêm duyên dáng
Kính trang trí nhiều dạng thể
Kính ghép màu (stained glass) có từ thế kỷ 12-13 theo trường phái Gothic đã được ứng dụng trong các nhà thờ, đền đài, nơi công cộng và những biệt thự rộng lớn; độ bền vững sản phẩm kính ghép màu này tồn tại hàng vài trăm năm. Sau đó, dần thất truyền mãi cho đến thế kỷ 19 mới phát triển lại một cách rực rỡ ở châu Âu, châu Mỹ và cho đến ngày nay. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, giám đốc điều hành công ty Art Glass cho rằng, dù kính ghép màu thủ công “có gần cả ngàn năm qua nhưng với kiến trúc hiện đại vẫn giữ nguyên sắc thái và vẻ đẹp độc đáo của riêng nó, vẫn có thể ứng dụng hài hoà trong nhà ở dân dụng”. Kính ghép màu sử dụng các ron (joint) chì có rãnh để tạo hình, “vẽ” tranh…; sau đó, cắt kính màu lồng vào những ron chì đó để “dệt” thành bức tranh, hình thể, hoạ tiết theo mẫu nào đó tuỳ ý. Chẳng hạn, cảm hứng từ một cây cảnh, một hình tượng người phụ nữ nào đó…, người hoạ sĩ đều có thể cảm tác qua tranh và từ tranh sẽ “chuyển thể” sang kính ghép màu. Đây cũng là cách đem thiên thiên, dấu ấn, hình ảnh yêu thích trong tâm tưởng vào nội thất.
Nguyên liệu kính màu để làm những sản phẩm kính ghép này là hàng nhập, màu làm từ các oxid kim loại trộn với thuỷ tinh nấu chảy ở 1.4000C nên màu bền vững với thời gian. Kính màu chế tác thủ công do đó tạo ra vân màu một cách ngẫu hứng. Sau đó đưa qua dây chuyền tráng kính như làm bánh tráng. Không tấm nào giống tấm nào, chỗ đục màu, chỗ trong màu – cho độ xuyên sáng khác nhau; chỗ sần sần, chỗ có bọt… Chính sắc độ, diện mạo “ngẫu hứng” và vân muôn vẻ trên từng mảnh kính mà kiến tạo nên tranh, nên hoạ tiết sống động, lạ và tự nhiên khi tiếp xúc với nguồn sáng.
Cũng tạo nên hiệu ứng tựa như tranh kính ghép màu cổ điển nhưng sử dụng keo resin thế ron chì. Trên mặt kính phẳng, trong, dùng keo resin vẽ tranh, tạo hoạ tiết…; sau đó sơn màu lên tranh theo mẫu. Sản phẩm chế tác theo dạng này thường chỉ dùng trong nội thất vì màu sẽ phai nếu tiếp xúc thường xuyên với môi trường tự nhiên.
Ứng dụng kính ghép màu thường đưa vào các mái chóp, phẳng, mái vòm; đưa vào vách, cửa, bức bình phong hay đèn để tạo mảng trang trí, điểm nhấn cho các không gian.
“Công nghệ mới nhất hiện nay ở Việt Nam là kính nung”, bà Mỹ Dung nói, nó như những tác phẩm, những công trình xếp. Cắt kính xếp đặt thành khối, tạo hình tượng… sau đó đưa vào nung cho các lớp kính nóng chảy và bám chắc vào nhau. Hoặc điêu khắc trên kính cũng là dạng thức làm cho tấm kính phẳng có hình khối, chỗ nông chỗ sâu; chỗ đậm chỗ nhạt. Có thể để nguyên trạng màu trong của kính, hay xử lý màu để thêu dệt nên những hình tượng, hoạ tiết sống động trên mặt kính vốn phẳng lì, trơn lạnh.
Kính ghép màu tương hợp với chất liệu gỗ và gạch nung để thô mộc. Sàn kính cường lực ghép keo phim tạo được hoa văn và vững chắc
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 33